CHƯƠNG BỐN ÔNG CHỦ BÁO

I
Thật ra kể từ ngày bỏ "ngoài kia" vào thành một tháng sau, Kha và Hiển đều nhìn thấu thực trạng (cũng như Hãng trước đây). Trong cuộc sống mấy ai chịu dời bỏ hy vọng, nhưng ba chàng đều ngầm cảm thấy hy vọng quả là hết sức mong-manh, họ luôn luôn ở thế xoạy lưng không dám nhìn vào thực trạng tuyệt vọng của xã-hội. - Ngày đó - chưa về làng - Kha cứ phải luôn luôn nghĩ đến cảm tình của chàng với Miên, ôn lại tình yêu cũ của chàng với Vân, rồi ao ước muốn được gặp Thi để xem người con gái yếu đuối về thần kinh ấy ngày nay khác xưa thế nào ... Tất cả những ý nghĩ đó, Kha cố tình làm cho ra vẻ bận rộn để khỏi nhìn xuống vực thẳm mà chàng cùng một số bạn thân đã bị tình thế xô tới đứng chênh-vệnh ngay trên bờ.

Từ sau ngày về làng, chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh trên cảnh vật và nhất là trên những tâm hồn thuần phác của quê hương, tình cảm Kha bỗng chồm lên như con thú dữ bị thương. Với sự lồng-lộn đó, Kha vừa chống đối với hoản cảnh, vừa chống đối với chính minh (chống đối vì cái gì, chính chàng cũng chẳng cần soi-mói cho rõ) những mong tìm được một lối thoát. Nhưng rồi sinh lực và niềm tin thâu nhận được tự quê nhà sớm tản-mát mất hút sau máy ngày trở lại Hà-Nội, chẳng khác một cụm bọt sà-phòng lớn thoạt rơi trên mặt nước rồi lăn tăn... lăn tăn... tụt dần xuống, thu nhỏ lại cho đến khi tan biến hẳn vào khối nước lạnh-lùng, lạnh-lùng như định mệnh. Ôi cuộc đời phơi mặt nơi đây có biết bao điều ghê tởm: những bộ mặt chính khách được treo đèn kết hoa đón rước, nhưng lũ hình nộm được thực dân bôi mặt vẽ hề đó, chúng có xương đâu mà đứng vững, có hồn đâu mà thương dân; những khuôn mặt lọc-lừa của lũ con buôn đô thành, lũ gà què ăn lần cối xay, bốn bề là khói lửa; những hình ảnh lam-lũ của lũ người dời bỏ miền quê xa-xôi, tìm tới ánh sáng kinh thành, bám lấy cuộc sống chênh-vênh, những khuôn mặt gái quê rũ vẻ chân phương sớm thành bệ-rạc vì cam chọn đường bán trôn nuôi miệng.