Our forum runs best with JavaScript enabled !

Món gia tài - Guy De Maupassant

View previous topic View next topic Go down

Món gia tài - Guy De Maupassant Empty Món gia tài - Guy De Maupassant

Post by LDN Fri Apr 19, 2024 2:51 pm

Món gia tài - Guy De Maupassant
(L’héritage)

Tặng Catulle Mendès
I

Tuy chưa đến mười giờ nhưng nhân viên đã ào ào kéo tới trước cửa lớn của Bộ Hải quân, họ đi tấp nập từ khắp các ngả Paris lại, vì đã gần đến ngày nguyên đán, thời kỳ công tác bận rộn và thăng quan tiến chức. Tiếng bước đi dồn dập vang lên trong toà nhà rộng lớn, ngoắt ngoéo, khúc khuỷu, với những đường hành lang chằng chịt, nhan nhản những cửa vào các phòng.
Ai nấy vào phòng mình, bắt tay bạn đồng sự đến trước, cởi áo khoác ngoài, mặc chiếc áo làm việc cũ kỹ và ngồi vào bàn chất đống những giấy tờ đang chờ đợi. Rồi người ta đi hỏi thăm tin tức ở các phòng bên cạnh. Thoạt tiên người ta dò hỏi xem ông sếp đã đến chưa, ngài có hỉ hả không, thư từ hôm nay có nhiều không.
Ông César Cachelin, tham biện quản trị “vật liệu chung”, là một cựu hạ sĩ quan bộ binh hải quân, nhờ thâm niên mà được thăng chức tham biện thượng hạng, đang ghi vào sổ cái tất cả những giấy tờ mà viên thừa lại văn phòng mang tới. Trước mặt ông ta là lão Savon, giữ việc chuyển đạt công văn, một lão già đần độn, nổi tiếng vì những chuyện xấu số về vợ con, lão đang chậm chạp sao lại một bức điện của ông chủ, chăm chú vào việc, người nghiêng về một bên, con mắt nhìn chéo, với một dáng điệu cứng nhắc của người sao chép tỉ mỉ.
Ông Cachelin, người to béo, tóc bạc và ngắn dựng lên thành bàn chải trên đỉnh đầu, vừa làm công việc hàng ngày vừa nói: “Ba mươi hai bức điện từ Toulon gửi về. Nguyên cái cảng này công việc bằng bốn cảng khác.” Rồi ông ta hỏi lão Savon một câu mà sáng nào ông cũng hỏi: “Thế nào, bác Savon, bác gái nhà ta thế nào?”
Lão già, không ngừng công việc, trả lời: “Ông Cachelin ơi, ông thừa biết câu chuyện ấy làm cho tôi khổ tâm lắm rồi!”
Thế là viên tham biện quản trị lại ngả ra cười như mọi ngày, khi nghe câu trả lời quen tai ấy.
Cửa phòng mở, Maze bước vào. Đó là một anh chàng đẹp trai, tóc nâu, ăn mặc diện quá lố, hắn thường vẫn lấy làm bất mãn vì tự cho rằng chức vụ hiện tại của hắn không xứng đáng chút nào với tướng mạo và kiểu cách của hắn. Hắn đeo những chiếc nhẫn gộc, một chiếc dây đồng hồ to tướng, một chiếc kính một mắt, đeo cho kẻng, vì lúc làm việc thì hắn bỏ kính ra, và hắn có cái điệu luôn luôn vung vẩy cổ tay để phô bộ khuy tay kếch sù và óng ánh.
Thoạt bước vào cửa, anh chàng đã hỏi: “Hôm nay có lắm việc không?” Ông Cachelin đáp: “Vẫn cái cảng Toulon nó dồn về. Năm hết tết đến có khác; các tướng ở đấy tích cực quá.”
Nhưng Pitolet, một nhân viên khác, tính ba lơn và hóm hỉnh, bước vào vừa cười vừa hỏi: “Thế còn bọn ta mà lại không tích cực à?”
Rồi, rút đồng hồ ra, hắn tuyên bố: “Mười giờ kém bảy phút, thế mà mọi người đã có mặt ở sở! Chà! Các ngài bảo như thế là cái gì? Mà tôi đánh cuộc với các ngài rằng ông lớn Lesable đã tới từ chín giờ kia rồi, cùng lúc với quan sếp nhà ta.”
Viên tham biện quản trị ngừng viết, gài bút lên tai, và tỳ khuỷu tay xuống giá viết, nói: “Ồ! Cái bố ấy à, nếu hắn không được thăng thì chẳng phải vì không tích cực!”
Và Pitolet, ngồi trên góc bàn, chân đu đi đu lại, trả lời: “Rồi hắn được thăng đấy, bác Cachelin ạ, cứ yên trí rằng hắn sẽ được thăng. Tôi đánh cuộc với bác hai mươi quan ăn một rằng không đầy mười năm nữa hắn sẽ lên làm chủ sự cho mà xem!”
Maze đang vừa hơ đùi vào lửa vừa quấn một điếu thuốc lá, nói: “Thôi! Cứ như tớ, chả thà suốt đời lĩnh lương hai nghìn lẻ bốn còn hơn là long tóc gáy lên như hắn.”
Pitolet xoay tít người trên gót chân, nói xỏ: “Thế mà, cậu ơi, hôm nay là ngày 20 tháng chạp, không ai bảo cậu cũng đến trước mười giờ đấy.”
Nhưng anh chàng kia nhún vai ra vẻ dửng dưng: “Đếch gì! Tớ cũng chẳng muốn để cho ai cưỡi lên lưng được. Vì các cậu mới bảnh mắt ra đã đến đây thì tớ cũng phải theo, mặc dầu tớ không ưng cái lối sốt sắng của các cậu. Đến như làm theo kiểu Lesable, xưng với ông sếp thì thưa thưa bẩm bẩm, rồi sáu giờ rưỡi tối mới ở sở về, rồi mang theo công việc về nhà làm, thì tớ xin vái. Vả lại, tớ ấy à, tớ phải giao du nhiều, tớ còn bận nhiều nhiệm vụ khác.”
Ông Cachelin đã ngừng ghi sổ và ngồi suy nghĩ, mắt đăm chiêu nhìn phía trước. Cuối cùng ông hỏi: “Thế các bác chắc rằng năm nay hắn lại được thăng chức à?”
Pitolet kêu lên: “Hắn sẽ lên, tôi cầm chắc cả mười phần chứ không phải một. Hắn láu lỉnh thế kia mà.”
Thế là người ta bàn tán đến câu chuyện muôn thuở thăng chức và tăng lương, từ một tháng nay làm xôn xao cả cái ổ quan liêu lớn kia, từ tầng sát đất lên đến tận nóc nhà.
Người ta tính toán may rủi, người ta đoán phỏng những con số, người ta cân nhắc các cấp bậc, người ta tức giận trước với những bất công dự đoán sẽ có. Người ta bàn đi tán lại không biết đến bao giờ những vấn đề đã bàn hôm trước, và chắc chắn sẽ trở lại ngày mai, vẫn ngần ấy lý do, ngần ấy chứng cớ và ngần ấy lời lẽ.
Một viên tham biện khác bước vào, bé nhỏ, xanh xao, vẻ ốm yếu, đó là Boissel, một người sống như trong một tiểu thuyết của Alexandre Dumas bố*. Đối với lão ta thì chuyện gì cũng biến thành chuyện phiêu lưu ly kỳ; sáng nào lão cũng kể cho bạn nối khố là Pitolet nghe những cuộc gặp gỡ lạ lùng của lão đêm trước, những tấn kịch xảy ra đâu ở trong nhà lão, những tiếng thét lên trong đêm hôm ngoài phố làm cho lão phải mở toang cửa sổ vào lúc ba giờ hai mươi sáng. Ngày nào lão cũng đã can ngăn những kẻ đánh nhau, kìm hãm những con ngựa đang lồng, cứu giúp những phụ nữ lâm nguy, và mặc dù thân hình còm cõi thảm hại, lão luôn luôn với giọng lè nhè và quả quyết kể lại những chiến công mà tay lão đã từng đạt được.
Alexandre Dumas bố (Alexandre Dumas père) là một tiểu thuyết gia Pháp nổi tiếng, hay viết những truyện có tính chất phiêu lưu, ly kỳ (1803-1870) (ND).
Vừa được biết người ta đang bàn về Lesable, thế là lão tuyên bố: “Rồi cũng có ngày tôi hỏi tội thằng nhãi con ấy; mà nếu vô phúc hắn lại định cưỡi lên lưng tôi, thì tôi choảng cho hắn một mẻ, cứ là cạch đến già!”
Maze, vẫn đang hút thuốc, nhạo luôn: “Bác có giỏi thì cứ choảng ngay hôm nay, vì tôi biết rõ là năm nay bác bị gạt đi để nhường chỗ cho Lesable đấy.”
Boissel vung tay lên: “Tôi thề rằng nếu…”
Cửa lại mở, và một người trẻ tuổi bước vào, thân bé nhỏ, để râu mép kiểu sĩ quan hải quân hay trạng sư, áo cổ cứng rất cao, anh ta bước vào hấp tấp, vẻ bận rộn lắm, mồm thì cứ liến đi, dường như lúc nào cũng vội không nói hết lời. Hắn chìa ra bắt tay mọi người, cập rập như kẻ không có thì giờ rỗi để vớ vẩn, và bước lại gần viên tham biện quản trị nói: “Ông bạn Cachelin, ông làm ơn chuyển cho tôi tập hồ sơ Chapelou, dây bện chão, Toulon, A.T.V. 1875.”
Viên tham biện đứng lên, với tay lấy một cặp các-tông ở trên đầu, rút lấy một tập tài liệu để trong một bìa xanh, và đưa ra: “Thưa ông Lesable đây, chắc ông biết rõ là hôm qua ông sếp đã lấy đi ba bức điện trong hồ sơ này?”
“Vâng. Tôi đang giữ những bức điện ấy, cảm ơn ông.”
Rồi người trẻ tuổi vội vã bước ra.
Hắn vừa ra khỏi thì Maze tuyên bố: “Ái chà! Oai thật! Tưởng chừng như hắn đã làm ông sếp rồi đấy.”
Pitolet đáp liền: “Yên trí! Yên trí! Hắn sẽ lên trước tất cả chúng ta.”
Ông Cachelin vẫn chưa viết. Hình như một định kiến gì ám ảnh ông ta. Ông lại nói: “Anh chàng trẻ tuổi ấy có triển vọng lắm đấy!”
Tức thì Maze lẩm bẩm bằng một giọng khinh miệt: “Đối với kẻ nào lấy bộ này làm nơi ăn đời ở kiếp thì đúng đấy. Đối với người khác thì không hẳn…”
Pitolet ngắt lời hắn: “Ý cậu muốn trở nên đại sứ chắc?”
Gã kia nguây nguẩy bực mình: “Không phải là chuyện tớ. Tớ thì tớ đếch cần! Muốn thế nào thì chức chủ sự cũng chẳng phải to gì với đời.”
Lão Savon, người truyền đạt công văn, vẫn không ngừng sao chép. Nhưng từ lúc nãy lão cứ chấm liên hồi ngòi bút vào lọ mực, rồi lại hí hoáy chùi ngòi bút vào miếng bọt biển đẫm nước chung quanh bình mực, mà vẫn chưa vạch được một chữ nào. Mực đen cứ trôi theo mũi nhọn ngòi bút và rỏ thành giọt tròn xuống giấy. Lão ta, hoảng hốt và ngao ngán, nhìn bản sao mà lão phải chép lại, cũng như bao nhiêu bản khác từ nãy đến giờ, và lão buồn bã lẩm bẩm:
“Lại mực hỏng đây…”
Mọi người cười rầm lên. Cachelin đưa cái bụng rung chuyển cả chiếc bàn; Maze bẻ người làm hai như sắp thụt lùi vào lò sưởi; Pitolet giậm chân, ho hắng, vung vẩy bàn tay phải như đang ướt, và cả đến Boissel cũng phì cười, tuy lão ta thường vẫn nhìn sự vật bằng con mắt bi thảm chứ không khôi hài.
Nhưng lão Savon, rút cục phải chùi ngòi bút vào vạt áo rơ-đanh-gốt*, gắt lên: “Cái gì mà cười. Người ta phải chép đi chép lại hai, ba lần đây này.”
Redingote: lễ phục của đàn ông (ND).
Lão rút trong tập giấy thẩm ra một tờ giấy khác, lồng giấy phóng vào rồi viết lại tiêu đề: “Thưa tổng trưởng và đồng nghiệp thân mến…” Bây giờ ngòi bút đã giữ mực và vạch từng chữ rõ ràng. Rồi lão già lại ngồi chéo người đi và tiếp tục sao chép.
Những người khác vẫn chưa hết cười. Họ cứ sặc sụa lên. Số là từ sáu tháng nay họ tiếp tục cái trò trêu chọc lão già mà lão chẳng hay gì cả. Họ rỏ mấy giọt dầu lên miếng bọt biển chùi ngòi bút. Ngòi bút thép nhờn dầu không bắt mực nữa; thế là lão già cứ mất hàng giờ vừa ngạc nhiên vừa bực mình, tốn hàng hộp ngòi bút và hàng chai mực, rút cục lão tuyên bố rằng dạo này chất lượng văn phòng phẩm kém quá.
Thế rồi trò đùa biến thành nhũng nhiễu, làm tình làm tội. Người ta trộn thuốc súng vào thuốc lá của lão già, người ta đổ thuốc nước vào bình nước mà lão thỉnh thoảng vẫn uống một cốc, và người ta giải thích cho lão rằng từ ngày loạn Công xã đến giờ, bọn đảng xã hội thường làm giả nhiều vật dụng để đổ lỗi cho chính phủ và gây ra cách mạng.
Vì thế lão già đâm ra căm thù độc địa bọn vô chính phủ mà lão tưởng như ở chỗ nào chúng cũng mai phục, ẩn nấp, và lão lo sợ huyền hoặc những chuyện mịt mù ghê gớm nào đó.
Nhưng một tiếng chuông đột ngột vang lên ngoài hành lang. Ai nấy đều nhận rõ cái tiếng chuông lồng lộn ấy của ông sếp, ông Torchebeuf, và ai nấy nhảy xổ ra cửa để về phòng mình.
Cachelin lại tiếp tục ghi sổ, rồi ông ta lại đặt bút xuống, hai tay bóp trán suy nghĩ.
Ông ta nung nấu một ý định nó day dứt ông từ ít lâu nay. Vốn là cựu hạ sĩ quan bộ binh hải quân được miễn dịch sau ba lần bị thương, một lần ở Sénégal và hai lần ở Nam kỳ, và được đặc cách vào công tác ở bộ, ông đã từng chịu đựng bao nhiêu nỗi khổ cực, nhục nhã và cay đắng trong cuộc đời kéo dài làm một nhân viên tuỳ thuộc quèn; vì vậy ông coi quyền hành, quyền hành nhà nước, như cái gì đẹp nhất ở đời. Một viên chủ sự đối với ông tưởng như là một nhân vật đặc biệt, sống trong một thế giới cao quý nào; và những viên chức nào mà ông nghe người ta bàn tán: “Thằng cha ấy láu lỉnh, nó sẽ tiến nhanh”, thì ông coi như họ thuộc một giống người khác, bản chất khác hẳn ông.
Vì thế, đối với người bạn đồng sự của ông là Lesable, ông rất coi trọng đến chỗ như tôn kính, và ông nuôi một ý muốn thầm kín, ý muốn khăng khăng là gả con gái cho anh ta.
Con gái ông một ngày kia sẽ giàu có, giàu lắm. Điều đó tất cả bộ ai cũng biết rõ, là vì chị ông ta, cô Cachelin, của có bạc triệu, một triệu đúng, cả của chìm lẫn của nổi, nghe đâu cô ta nhờ chuyện tình tứ mà nhặt nhạnh được, nhưng cuối chầu cô đã sám hối trở thành ngoan đạo.
Cô gái già xưa kia trai lơ ấy, đã về vườn với cái vốn năm mươi vạn quan, mà trong vòng mười tám năm trời cô ta đã làm tăng lên gấp đôi, nhờ sự chắt bóp dè sẻn và những thói sống keo kiệt. Từ lâu cô ta ở cùng với em trai goá vợ, có một đứa con gái nhỏ là Coralie; nhưng cô ta đóng góp vào sự chi tiêu trong nhà chẳng được mấy tí, chỉ kè kè giữ của và cóp nhặt, và luôn mồm bảo Cachelin: “Không lo đâu, chẳng qua rồi lại để cho con gái cậu, nhưng mau gả chồng cho nó sớm đi, tôi muốn được trông thấy các cháu. Chỉ còn có nó là sẽ làm cho tôi vui tuổi già, được bế đứa cháu thuộc máu mủ nhà ta nữa thôi.”
Câu chuyện đó khắp sở đều biết; và không thiếu gì kẻ ngấp nghé. Người ta kháo nhau là chính ngay Maze, anh chàng Maze đẹp trai, con mãnh hổ của cơ quan, cũng cứ là quấn quýt lấy bố Cachelin với một ý định lộ liễu. Nhưng lão đội cựu này, một tay tinh quái đã từng lăn lộn bốn phương trở về, thì chỉ muốn tìm một chàng trai có triển vọng, một chàng sẽ trở nên chủ sự và nhờ đó mà ông ta, César, cựu hạ sĩ quan, sẽ được thơm lây. Thì Lesable đáp đúng yêu cầu của ông ta một cách tuyệt diệu, và từ lâu ông nghĩ cách lôi kéo anh chàng đến nhà mình.
Bỗng chốc ông xoa tay ngẩng lên. Ông đã nghĩ ra.
Ông biết rõ nhược điểm của mỗi người. Chỉ có cách đánh vào cái tính hiếu thắng của Lesable, hiếu thắng về nghề nghiệp. Ông sẽ đến nhờ cậy hắn che chở cho, cũng như người ta đến nhà các ngài thượng nghị sĩ hay hạ nghị sĩ, cũng như người ta đến nhà một nhân vật cao cấp nào đó.
Từ năm năm nay chưa được thăng chức cho nên Cachelin chắc mẩm năm nay sẽ được lên. Vậy ông sẽ giả tảng như nhờ có Lesable mà được, và ông sẽ mời anh ta đến ăn tiệc gọi là để tạ ơn.
Vừa nghĩ ra mưu kế, ông lập tức khởi sự. Ông lấy trong tủ ra chiếc áo đi phố, cởi áo cũ ra, và, mang theo tất cả những tài liệu đã vào sổ thuộc bộ phận công tác của người bạn đồng sự, ông đến phòng mà anh này được đặc cách chiếm riêng một mình, do sự tích cực công tác và mức độ quyền hạn của anh ta.
Chàng trẻ tuổi đó đang ngồi viết trên một chiếc bàn rộng, giữa đống hồ sơ để mở và giấy má bừa bộn, đánh số bằng mực xanh mực đỏ.
Vừa thấy viên tham biện vào, anh ta hỏi bằng một giọng thân mật trong đó có thoáng chút vì nể: “Thế nào, ông bạn, có nhiều việc lắm không đấy?”
“Thưa cũng khá. Và tôi cũng muốn thưa chuyện với ông.”
“Mời ông bạn ngồi xuống đây, tôi xin nghe.”
Cachelin ngồi xuống, húng hắng, làm ra vẻ luống cuống và nói bằng một giọng ấp úng: “Thưa ông, tôi đến đây vì việc này. Tôi không dám nói quanh co. Con nhà lính, tôi cứ xin nói thẳng. Tôi đến để nhờ cậy ông một việc.”
“Việc gì thế?”
“Xin nói vắn tắt. Tôi cần được thăng trật năm nay. Tôi thì tôi chẳng có ai che chở cả, cho nên tôi nghĩ đến ông.”
Lesable đỏ mặt, ngạc nhiên, hài lòng, đầy bẽn lẽn mà kiêu hãnh. Tuy nhiên anh ta trả lời:
“Kìa ông bạn, ở đây tôi có quyền hành gì đâu. Tôi còn kém ông xa, ông sắp lên tham biện thượng hạng rồi. Tôi chẳng làm gì được đâu. Ông tin rằng…”
Cachelin ngắt lời một cách đột ngột mà rất mực kính trọng: “Ấy chết, ông dạy quá lời. Ông được quan sếp tin cậy, ông chỉ nói một tiếng cho tôi là được… Ông xét cho, chỉ còn mười tám tháng nữa là tôi được về hưu, mà nếu mồng một tháng giêng này tôi không được lên thì tôi thiệt đến năm trăm quan. Tôi vẫn biết người ta thường nói: ‘Cachelin không túng thiếu đâu, chị hắn có bạc triệu.’ Kể ra thì cũng đúng. Chị tôi có một triệu, nhưng bà ấy còn để làm ra lời ra lãi, và chẳng đem cho ai. Đành rằng là để cho con gái tôi; nhưng con gái tôi với tôi, vẫn là hai người. Rồi đến nước con gái và chàng rể tôi nó lên xe xuống ngựa, còn tôi thì chẳng có lấy miếng mà nhai, bấy giờ tôi mới thật mát mặt!… Chắc ông thừa hiểu hoàn cảnh đó, phải không ạ?”
Lesable gật gù nói: “Ông nói đúng lắm, đúng lắm. Chàng rể ông có thể đối đãi với ông không tốt lắm. Vả lại, không phải nhờ vả ai vẫn là thảnh thơi hơn. Thôi thì tôi hứa sẽ hết sức giúp ông, tôi sẽ nói với ông sếp, tôi sẽ trình bày trường hợp của ông, và nếu cần thì tôi nói gặng thêm. Ông cứ tin ở tôi!”
Cachelin đứng lên, nắm lấy hai tay người đồng sự mà lắc theo kiểu nhà binh; và ông ta nói lúng túng: “Đa tạ, đa tạ, xin ông tin rằng nếu có dịp… Nếu tôi có thể…” Ông ta không nói hết, vì cũng không biết nói nốt cái gì, và ông bỏ đi, nện gót xuống đường hành lang vang lên theo nhịp bước của một cựu binh.
Nhưng bỗng ông nghe tiếng chuông réo lên lồng lộn, thế là ông cắm đầu chạy vì ông đã nhận ra tiếng chuông đó. Viên chủ sự, ông Torchebeuf, gọi viên tham biện quản trị của mình.
Tám hôm sau, một buổi sáng, Cachelin thấy trên bàn của mình một bức thư niêm phong, nội dung nói:
“Thưa bạn đồng sự thân mến, tôi rất sung sướng báo tin để ông biết rằng quan tổng trưởng, theo đề nghị của ngài giám đốc và ngài chủ sự của chúng ta, đã ký lệnh thăng chức thượng hạng tham biện cho ông hôm qua. Ngày mai ông sẽ nhận được thông báo chính thức. Từ nay đến lúc đó xin ông hãy cứ làm như chưa biết tin gì nhé!
Chúc ông mạnh giỏi
Lesable”
Lập tức César chạy tới phòng của người đồng sự trẻ tuổi cảm ơn, xin lỗi, hứa hết lòng trung thành, cuống cuồng lên vì ân nghĩa.
Quả nhiên, ngày hôm sau người ta được tin các ông Lesable và Cachelin đều được thăng chức. Các nhân viên khác thì lưu lại năm sau, và, để đền bù, họ được lĩnh tiền thưởng từ một trăm năm mươi đến ba trăm quan.
Lão Boissel tuyên bố một tối nào đó sẽ rình Lesable ở góc phố vào nửa đêm, và nện cho hắn một trận gục tại chỗ. Các nhân viên khác đều im lặng.
Thứ hai sau, Cachelin vừa tới sở đã đi đến phòng quan thầy, bước vào một cách trịnh trọng, giọng lễ phép:
“Nhân dịp lễ Ba Vua* tôi rất mong được hân hạnh ông đến dự bữa tiệc mọn ở nhà chúng tôi. Ngày giờ xin tuỳ ông quyết định.”
Lễ Ba Vua: theo lịch Công giáo, trong những ngày lễ đó người ta thường tổ chức ăn uống mời khách. Trong bữa ăn dọn một món bánh ngọt đặc biệt, gọi là bánh Vua, trong bánh để giấu một hột đậu, khi cắt bánh ăn, ai được hột đậu thì được tôn là Vua và chọn một người đàn bà trong bữa ăn làm hoàng hậu; cả hai người đều được coi trọng trong suốt bữa.
Chàng trẻ tuổi, hơi ngạc nhiên, ngẩng đầu lên và nhìn chòng chọc vào mắt người đồng sự để dò la ý tứ, rồi anh ta trả lời: “Nhưng, thưa ông bạn, chẳng là… trong thời gian tới, tối nào tôi cũng đã trót hẹn cả rồi.”
Cachelin khẩn khoản, bằng một giọng thật thà: “Thưa ông, ông đã giúp cho tôi như thế mà ông từ chối thì chúng tôi ân hận lắm. Nhân danh gia đình tôi và cá nhân tôi, tôi mong ông chấp nhận cho.”
Lesable phân vân, ngần ngại. Anh ta đã hiểu ý, nhưng không biết trả lời thế nào, vì chưa kịp suy nghĩ và cân nhắc lợi hại. Cuối cùng anh nghĩ thầm: “Thì đi ăn một bữa cũng chẳng chết ai” và anh ta nhận lời với một vẻ hài lòng, hẹn ngày thứ bảy tới. Anh lại mỉm cười nói thêm: “Như thế để hôm sau tôi không phải dậy sớm quá.”

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum